T&A (Vietnamese) T&A – chăm sóc sau khi xuất viện

  • Cắt Amiđan và Mô ở Vòm Họng (T&A) – chăm sóc sau khi xuất viện (Tonsillectomy and adenoidectomy (T&A) – discharge care)

    Tờ thông tin này bao gồm thông tin về chăm sóc tại nhà cho trẻ đã được xuất viện sau khi cắt amidan và mô ở vòm họng. Để biết thông tin về lý do tại sao con quý vị cần phẫu thuật và điều gì sẽ xảy ra, hãy xem tờ thông tin của chúng tôi về Cắt Amiđan và Mô ở Vòm họng (T&A).

    Chăm sóc tại nhà (Care at home)

    Việc con quý vị bị đau họng, đau tai, hơi thở hôi, thay đổi giọng nói và có mảng trắng trong cổ họng sau khi phẫu thuật là điều bình thường. Những vấn đề này có thể xảy ra trong tối đa hai tuần sau khi cắt bỏ amiđan và mô ở vòm họng. Những điều này không có nghĩa là bị nhiễm trùng.

    Kiểm tra con quý vị ít nhất hai lần trong đêm trong hai đêm đầu tiên để xem có chảy máu hay khó thở không. Nếu con quý vị dưới bốn tuổi, tốt nhất nên ngủ chung phòng.

    • Nếu con quý vị nuốt nước bọt nhiều, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang chảy máu. Nếu chảy máu xảy ra, hãy đưa con quý vị đến khoa cấp cứu gần nhất.
    • Nếu con quý vị đã được cắt bỏ mô ở vòm họng, đừng để em khụt khịt hoặc xì mũi trong hai tuần. Có thể phải mất đến một tháng con quý vị mới có thể thở đúng cách bằng mũi.

    Ăn uống (Eating and drinking)

    Việc ăn uống sau phẫu thuật rất quan trọng vì nó sẽ giúp làm sạch và chữa lành cổ họng. Không có hạn chế về những gì con quý vị có thể ăn. Con quý vị có thể thích ăn những thức ăn mềm hơn, nhưng ăn thức ăn cứng, chẳng hạn như bánh mì nướng hoặc ngũ cốc, cũng không sao.

    Cũng đảm bảo rằng con quý vị uống nhiều nước cả ngày trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật. Nếu trẻ không ăn một lượng bình thường, hãy cho trẻ uống một số thức uống có đường (ví dụ như nước trái cây hoặc nước ngọt) sẽ đảm bảo trẻ nhận được một lượng calo để tạo năng lượng.

    • Cho uống thuốc giảm đau 30 đến 60 phút trước khi ăn để giúp trẻ giảm đau khi nuốt thức ăn.
    • Con quý vị có thể thấy dễ chịu khi uống đồ uống ướp lạnh hoặc nước đá và ăn thức ăn.
    • Con quý vị nên tiếp tục đánh răng vào buổi sáng và buổi tối.

    Buồn nôn và ói mửa (Nausea and vomiting)

    Nếu con quý vị ói mửa, hãy ngừng cho ăn trong một giờ, sau đó cho uống nước nếu trẻ cảm thấy đỡ hơn. Nếu trẻ có thể uống nước mà không bị ói mửa, hãy bắt đầu cho trẻ ăn một lượng nhỏ thức ăn.

    Nếu con quý vị vẫn tiếp tục ói mửa, hãy liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất.

    Trở lại hoạt động bình thường (Returning to usual activities)

    Con quý vị có thể không muốn làm gì nhiều trong vòng 10 ngày sau khi phẫu thuật. Nhiều trẻ em cần hai tuần ở nhà không đến trường học hoặc mẫu giáo. Số lượng hoạt động thường lệ mà con quý vị tham gia nên theo cảm giác của trẻ.

    • Thường mất ba tuần trẻ mới hồi phục hoàn toàn. Con quý vị không nên đi bơi cho đến sau thời gian này.
    • Cố gắng giữ con quý vị tránh xa những người bị ho và cảm lạnh.

    Kiểm soát sự đau đớn (Pain management)

    Việc con quý vị bị đau họng và đau tai sau khi cắt bỏ amiđan và mô ở vòm họng là điều bình thường. Con quý vị sẽ cần dùng thuốc giảm đau trong tối đa hai tuần và cơn đau của trẻ có thể trở nên trầm trọng hơn trước khi thuyên giảm.

    Ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau phẫu thuật là thời điểm phổ biến để cơn đau tạm thời trở nên trầm trọng hơn.

    Dấu hiệu đau đớn ở các trẻ nhỏ tuổi hơn có thể là quấy khóc nhiều hơn, hoặc bỏ ăn uống.

    Thuốc men (Medication)

    Điều quan trọng là con quý vị dùng thuốc giảm đau đều đặn trong tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật bao gồm paracetamol (ví dụ Panadol) và các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.

    • Paracetamol có thể được dùng tới bốn lần một ngày, cách nhau ít nhất bốn giờ giữa các liều. Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có chứa paracetamol hơn bốn lần trong 24 giờ.
    • Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có chứa codeine.
    • Kiểm tra bao bì thuốc để biết liều lượng chính xác. Bác sĩ của quý vị có thể đề nghị một lượng khác nhau, tùy thuộc vào trọng lượng của con quý vị.
    • Điều quan trọng là phải dùng thuốc giảm đau đều đặn thay vì đợi cơn đau xảy ra rồi mới dùng thuốc.

    Nếu cơn đau của con quý vị không kiểm soát được bằng các loại thuốc đã kê đơn, vui lòng đến gặp bác sĩ ở địa phương của quý vị, người có thể đề nghị các loại thuốc khác nhau.

    Những cách khác để giảm đau (Other ways to relieve pain)

    Giúp con quý vị hiểu những gì mong đợi bằng cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Điều quan trọng là phải trung thực với trẻ về phẫu thuật và quá trình hồi phục.

    Có thể hữu ích khi sử dụng các kỹ thuật đánh lạc hướng cùng với thuốc giảm đau để con quý vị không tập trung quá nhiều vào cơn đau. Một số kỹ thuật đánh lạc hướng bao gồm:

    • giúp con quý vị với một hoạt động yên tĩnh yêu thích (ví dụ: đọc sách)
    • an ủi con bằng cách đặt tay lên người con, vuốt ve hoặc mát-xa.

    Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)

    Quý vị nên theo dõi con mình tại nhà để biết bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra trong quá trình hồi phục của con.

    Nếu con quý vị có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, quý vị nên đưa trẻ đến bác sĩ gia đình hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất:

    • chảy máu tươi từ mũi hoặc miệng, hoặc trong chất nôn mửa của trẻ
    • nuốt nước bọt thường xuyên (điều này cho thấy có thể trẻ đang bị chảy máu)
    • nôn mửa hơn bốn lần trong vòng 24 giờ đầu sau cuộc phẫu thuật
    • hoàn toàn không thể uống nước được
    • nhiệt độ từ 38°C trở lên.

    Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)

    • Việc con quý vị bị đau họng, đau tai, hơi thở hôi, thay đổi giọng nói và có mảng trắng trong cổ họng sau khi phẫu thuật là điều bình thường.
    • Kiểm tra con quý vị ít nhất hai lần trong đêm trong hai đêm đầu tiên sau khi phẫu thuật để đảm bảo rằng trẻ không bị chảy máu hoặc khó thở.
    • Ăn và uống là rất quan trọng sau phẫu thuật – cho uống thuốc giảm đau từ 30 đến 60 phút trước khi ăn để giảm đau khi trẻ nuốt thức ăn.
    • Cho trẻ uống thuốc giảm đau đều đặn theo chỉ định của bác sĩ trong tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật.
    • Nếu con quý vị bị chảy máu tươi từ mũi hoặc miệng, khó thở, không uống nước được, bị sốt hoặc thường xuyên nuốt nước bọt, quý vị nên đưa trẻ đến bác sĩ hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất.

    Để biết thêm thông tin (For more information)

    Các câu hỏi phổ biến thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

    Cơ thể có cần amidan và mô ở vòm họng (adenoids) không? Điều gì xảy ra nếu chúng bị cắt bỏ?
    Cơ thể không thực sự cần quá nhiều amidan và mô ở vòm họng. Điều này có nghĩa là con quý vị sẽ hoàn toàn khỏe mạnh nếu không có amidan và mô ở vòm họng.

    Được khoa Phẫu thuật và khoa Tai mũi họng của Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children's Hospital) soạn thảo với sự đóng góp của Safer Care Victoria. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của người tiêu dùng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.

    Được soạn thảo vào tháng 8 năm 2021.

    Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được hỗ trợ bởi Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation). Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

    Bãi miễn trách nhiệm (Disclaimer)

    Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng này đã nỗ lực đáng kể để đảm bảo thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc sự thành công của bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang tham khảo phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe cho người tiêu dùng.