Asthma (Vietnamese) – Hen suyễn

  • Hen suyễn là một bệnh phổ biến khi các đường dẫn không khí nhỏ trong phổi bị hẹp lại. Tình trạng thu hẹp xảy ra khi đường dẫn không khí bị sưng và viêm, khiến chất nhầy tiết ra nhiều hơn. Ngoài ra, các dải cơ xung quanh đường dẫn không khí trở nên thắt chặt hơn. Trong lúc lên cơn suyễn, không khí bị mắc kẹt trong các túi phổi. Những thay đổi này khiến không khí đi vào và ra khỏi phổi (đặc biệt là ra ngoài) khó khăn hơn và gây ra thở khò khè, ho và khó thở.

    • Không khí bị mắc kẹt trong túi phổi
    • Các dải cơ được thư giãn
    • Các dải cơ thắt chặt hơn
    • Vách của đường hô hấp bị viêm và sưng tấy
    • Đường hô hấp bình thường
    • Đường hô hấp có bệnh hen suyễn
    • Đường hô hấp có bệnh hen suyễn khi lên cơn suyễn

    Thở khò khè rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, nhưng không phải tất cả trẻ em thở khò khè đều bị hen suyễn. Khoảng một trong năm trẻ em sẽ được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn trong thời thơ ấu.

    Nếu được điều trị đúng cách, gần như tất cả trẻ em mắc bệnh hen suyễn sẽ có thể chơi thể thao và có cuộc sống năng động. Trẻ mắc bệnh hen suyễn nên có một Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn (Asthma Action Plan) để cho quý vị biết cách ngăn ngừa các cơn hen suyễn (đôi khi được gọi là lên cơn suyễn) và cách đối phó các cơn hen suyễn khi chúng xảy ra.

    Bệnh hen suyễn có thể khó biết trước và nó ảnh hưởng đến mỗi đứa trẻ theo một cách khác nhau. Nhiều trẻ em sẽ hết bệnh hen suyễn khi lớn lên.

    Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn (Signs and symptoms of asthma)

    Các dấu hiệu phổ biến cho thấy con quý vị đang lên cơn hen suyễn là:

    • Vấn đề về thở – con quý vị có thể bị hụt hơi khi nghỉ ngơi, cảm thấy bị tức ngực, thở một cách khó khăn, hoặc không thể nói trọn câu vì bị hụt hơi. Trẻ dường như không có sức. Một số trẻ gặp khó khăn với thể thao hoặc tập thể dục.
    • Thở khò khè – khi hơi thở của con quý vị nghe như tiếng huýt sáo.
    • Ho – điều này thường xảy ra vào ban đêm hoặc vào những giờ gần sáng; khi thời tiết mát mẻ; và trong khi tập thể dục. Chỉ bị ho không có nghĩa là bị hen suyễn.

    Trên đây là những triệu chứng của cơn suyễn nhẹ. Những triệu chứng này thường kéo dài từ hai đến ba ngày và đôi khi lâu hơn. Hầu hết các cơn suyễn đều nhẹ.

    Trong cơn suyễn nặng:

    • con quý vị có thể khó thở, trở nên thật khổ sở, kiệt sức hoặc thậm chí ủ rũ
    • quý vị có thể thấy những chỗ lõm sâu di chuyển ở cổ họng hoặc ngực của trẻ khi trẻ cố gắng thở
    • quý vị có thể nhận thấy tiếng thở ồn ào hoặc xung quanh môi có màu hơi tái xanh

    Hãy lập tức gọi xe cứu thương khi con quý vị lên cơn suyễn nặng.

    Nguyên nhân gây ra hen suyễn? (What causes asthma?)

    Thường không được biết rõ nguyên nhân gây ra hen suyễn. Bệnh có thể là do di truyền trong gia đình, và ở một số trẻ em bệnh hen suyễn có liên quan đến các bệnh khác chẳng hạn như bệnh chàm, sốt phấn hoa và dị ứng.

    Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn suyễn. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm trùng đường hô hấp do vi-rút gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh. Các nguyên nhân gây ra hen suyễn phổ biến khác bao gồm:

    • tập thể dục
    • thời tiết thay đổi hoặc có nhiều gió
    • mạt bụi trong nhà, phấn hoa hoặc thú nuôi.

    'Bệnh hen suyễn do giông bão' có thể xảy ra vào mùa xuân do sự kết hợp của lượng phấn hoa nhiều và một loại giông bão cụ thể. Những người bị hen suyễn nên điều trị hen suyễn trong thời kỳ có rủi ro cao này.

    Khói thuốc lá, ngay cả khi chúng bám trên quần áo hoặc đồ nội thất, có thể gây ra cơn suyễn, vì vậy đừng cho phép bất cứ ai hút thuốc trong nhà hoặc gần con của quý vị.

    Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể biết khi nào cơn suyễn sẽ xảy ra, nhưng sẽ rất hữu ích nếu quý vị biết điều gì có thể gây ra bệnh hen suyễn của con mình để có thể cố tránh nó.

    Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)

    Nếu con quý vị có vấn đề về hô hấp, thở khò khè hoặc ho, điều quan trọng là phải đưa trẻ đến bác sĩ gia đình để xem đó có phải là bệnh hen suyễn hay không. Nếu con quý vị bị hen suyễn, hãy yêu cầu bác sĩ gia đình của quý vị lập một Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn (Asthma Action Plan). Kế hoạch sẽ cho quý vị biết cách ngăn ngừa các cơn suyễn và cách kiểm soát khi chúng xảy ra.

    Điều trị – Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn (Asthma Action Plan) (Treatment – Asthma Action Plans)

    Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn của con quý vị nên được giữ ở nơi quý vị có thể dễ dàng tìm thấy. Đảm bảo rằng bất kỳ ai chăm sóc cho con quý vị đều biết cháu bị hen suyễn và hiểu phải làm gì khi cháu lên cơn suyễn.

    Phòng ngừa là phần quan trọng nhất của việc điều trị. Tránh các nguyên nhân thường dẫn đến cơn suyễn và kiểm soát các bệnh trạng khác như sốt phấn hoa và bệnh chàm.

    Hai loại thuốc thường được trẻ mắc bệnh hen suyễn sử dụng là thuốc cắt cơn và thuốc ngừa cơn. Một số trẻ có thể dùng thuốc steroid qua đường uống trong khi lên cơn suyễn cấp tính.

    Thuốc cắt cơn

    Thuốc cắt cơn giúp làm thông đường hô hấp để trẻ dễ thở hơn. Chúng làm giãn sự thu hẹp của các ống thở và giúp không khí đi qua dễ dàng hơn, làm giảm các triệu chứng hen suyễn. Thuốc này có tác dụng rất nhanh – thường chỉ trong vài phút. Thuốc cắt cơn phổ biến nhất là salbutamol, thường được gọi là Ventolin. Trẻ lớn hơn có thể được kê toa với thuốc có tên là Symbicort.

    Trong giai đoạn lên cơn suyễn, con quý vị sẽ cần sử dụng thuốc cắt cơn mỗi hai đến bốn giờ. Khi cơn suyễn ban đầu đã thuyên giảm, con quý vị sẽ cần tiếp tục dùng thuốc cắt cơn ba đến bốn lần một ngày cho đến khi hết ho và thở khò khè.

    Hầu hết trẻ em từ 5 tuổi trở xuống sẽ cần hai đến sáu nhát Ventolin mỗi lần và hầu hết trẻ em từ sáu tuổi trở lên mỗi lần sử dụng tối đa 12 nhát Ventolin.

    Bác sĩ cũng có thể kê toa prednisolone (một loại steroid) cho trẻ. Thuốc này có tác dụng làm cho các ống thở tiếp nhận Ventolin nhanh hơn. Nó cũng giúp ngăn ngừa niêm mạc của đường dẫn không khí bị sưng hoặc thu hẹp lại. Thuốc này thường được sử dụng trong tối đa ba ngày.

    Thuốc ngừa cơn

    Thuốc ngừa cơn giúp ngăn ngừa các cơn suyễn xảy ra. Flixotide là thuốc ngừa cơn ở dạng hít và Singulair là thuốc ngừa cơn ở dạng viên nén. Thuốc ngừa cơn phải được dùng hàng ngày, ngay cả khi con quý vị đã khỏe.

    Không phải tất cả trẻ em đều cần dùng thuốc ngừa cơn. Nếu con quý vị có các triệu chứng hen suyễn nhiều hơn một lần một tuần, bác sĩ gia đình có thể đề nghị dùng thuốc ngừa cơn. Trẻ đang dùng thuốc ngừa cơn cần phải gặp bác sĩ gia đình đều đặn để đảm bảo thuốc đang có tác dụng tốt. Bác sĩ gia đình sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc khi cần thiết.

    Controllers

    Cho thuốc trị hen suyễn (Giving asthma medicine)

    Hít vào là cách tốt nhất để hấp thu hầu hết các loại thuốc trị hen suyễn. Máy phun sương là máy biến thuốc dạng lỏng thành hơi có thể hít qua mặt nạ hoặc ống ngậm. Hầu hết trẻ em sẽ sử dụng bình đệm với ống thuốc xịt, có tác dụng giống như máy phun sương. Các bình đệm thì rẻ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn nhiều so với máy phun sương, máy phun sương thường chỉ được sử dụng trong bệnh viện và xe cứu thương.

    Hãy chắc chắn rằng con quý vị biết cách dùng thuốc trị hen suyễn và quý vị hiểu cách trợ giúp con mình. Xin xem tờ thông tin Bệnh hen suyễn – sử dụng bình đệm. Asthma – use of spacers.

    Đảm bảo con quý vị luôn mang theo bên mình thuốc trị hen suyễn và Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn.

    Phải làm gì khi lên cơn suyễn (What to do during an episode of asthma)

    Nếu con quý vị đang lên cơn suyễn, hãy làm theo lời khuyên trong Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn của con quý vị, hoặc làm theo các bước sơ cứu hen suyễn 4x4x4 dưới đây:

    1. Cho trẻ ngồi thẳng thoải mái và giữ bình tĩnh.
    2. Lắc ống xịt của thuốc cắt cơn màu xanh dương và xịt bốn nhát riêng biệt qua bình đệm, nếu có. Xịt một nhát thuốc cho từng lần một và yêu cầu con quý vị hít bốn hơi từ bình đệm sau mỗi lần xịt. Quý vị có thể nghe thấy tiếng click trong mỗi hơi thở.
    3. Đợi bốn phút. Nếu bệnh hen suyễn của con quý vị không thuyên giảm, hãy lặp lại bước 2.
    4. Nếu vẫn không thuyên giảm, hãy gọi xe cứu thương ngay lập tức. Nói rõ rằng cấp cứu con quý vị đang lên cơn suyễn. Liên tục lặp lại bước 2 và 3 trong khi chờ xe cấp cứu.

    Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)

    • Hãy hỏi bác sĩ để lập Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn.
    • Nên điều trị bằng thuốc cắt cơn để làm giảm các triệu chứng hen suyễn trong khi lên cơn.
    • Nên sử dụng thuốc ngừa cơn mỗi ngày, ngay cả khi khỏe mạnh, nếu đã được bác sĩ kê toa.
    • Hãy chắc chắn rằng con quý vị biết cách dùng thuốc trị hen suyễn và quý vị hiểu cách trợ giúp con mình.
    • Đảm bảo con quý vị luôn mang theo bên mình thuốc trị hen suyễn và Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn.
    • Nếu con quý vị lên cơn suyễn, hãy làm theo Kế hoạch Hành động cho bệnh Hen suyễn của con mình, hoặc các bước sơ cứu hen suyễn 4x4x4.
    • Hãy gọi xe cứu thương nếu các triệu chứng của con quý vị trở nặng rất nhanh, hoặc nếu trẻ bị khó thở một cách nghiêm trọng, không thể nói hoặc môi chuyển sang tím tái.

    Để biết thêm thông tin (For more information)

    Tờ thông tin Sức khỏe Trẻ em: Bệnh hen suyễn – sử dụng bình đệm  

    Tờ thông tin Sức khỏe Trẻ em: Bệnh hen suyễn – video    

    Hội đồng Quốc gia về Hen suyễn của Úc

    Hen Suyễn Úc

    Các câu hỏi bác sĩ thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

    Tôi có nên đánh thức con mình để cháu sử dụng thuốc điều trị hen suyễn khi con đang ngủ không?

    Nói chung là không. Nếu quý vị không nghe thấy tiếng ho hoặc thở khò khè và trẻ không bị khó thở thì đừng đánh thức trẻ.

    Khi nào tôi nên đưa con tôi đến bác sĩ hoặc bác sĩ gia đình?

    Nếu quý vị đang sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên và nghĩ rằng thuốc ngừa cơn có thể hữu ích, hãy đến gặp bác sĩ gia đình. Luôn đến gặp bác sĩ gia đình khi quý vị lo lắng hoặc nếu thuốc dùng ở nhà không có tác dụng.

    Khi nào tôi nên đưa con tôi đến phòng cấp cứu gần nhất?

    Nếu con quý vị cảm thấy khó thở hoặc nếu con quý vị không thể nói được. Gọi xe cứu thương nếu bệnh trạng vẫn không thuyên giảm sau khi dùng thuốc cắt cơn.

    Tôi có thể cho con tôi tham gia bao nhiêu hoạt động?

    Sau khi được kiểm soát hợp lý, con quý vị nên được khuyến khích tham gia tất cả các hoạt động bình thường. Không cần phải hạn chế hoạt động.

    Con tôi có nên dùng kháng sinh khi bị cảm lạnh, để ngăn ngừa cơn suyễn xảy ra không?

    Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi-rút gây ra. Vi-rút không bị tiêu diệt bởi kháng sinh. Vì vậy, thuốc kháng sinh không được sử dụng để ngăn ngừa các cơn suyễn. Bác sĩ gia đình sẽ kê toa thuốc kháng sinh cho con quý vị nếu cháu bị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn gây ra.

    Có an toàn khi cho con tôi dùng prednisolone không?

    Quý vị có thể đã nghe nói về tác dụng phụ có thể xảy ra từ prednisolone. Những tác dụng phụ này xảy ra khi dùng thuốc trong thời gian dài trong nhiều tháng hoặc nhiều đợt, mỗi đợt vài ngày. Khi khó thở, chúng có thể cần thiết nhưng thường được coi là phương pháp điều trị khẩn cấp. Cách tốt nhất để tránh dùng steroid là dùng thuốc hàng ngày được đề nghị trong kế hoạch hành động.


    Được Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.

    Được duyệt vào tháng 8 năm 2020.

    Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) hỗ trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

    Bãi miễn trách nhiệm

    Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.