Viral illnesses (Vietnamese) – Bệnh do nhiễm siêu vi

  • Siêu vi là một loại vi trùng gây ra các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh thông thường, viêm tiểu phế quản, viêm amiđan, nhiễm trùng tai, cúm, quai bị và thủy đậu. Có hàng trăm loại siêu vi khác nhau.

    Cảm lạnh rất phổ biến ở trẻ em khỏe mạnh và tính trung bình, trẻ em mẫu giáo bị cảm lạnh ít nhất sáu lần mỗi năm. Trẻ khỏe mạnh thường có thể mắc phải 12 căn bệnh do nhiễm siêu vi vào mỗi năm trong vài năm đầu đời của em. Thông thường trẻ bị bệnh do một loại siêu vi khác ngay sau khi khỏi bệnh từ một loại siêu vi, vì vậy có vẻ như trẻ lúc nào cũng bị bệnh. Khi trẻ lớn hơn, tần suất em mắc các bệnh do nhiễm siêu vi thường giảm đi.

    Siêu vi có thể dễ dàng lây lan khi trẻ tiếp xúc và chơi đùa với nhau. Hầu hết các loại siêu vi đều nhẹ, và cách điều trị tốt nhất là nghỉ ngơi tại nhà.

    Các dấu hiệu và triệu chứng của siêu vi (Signs and symptoms of viruses)

    Nếu con quý vị bị nhiễm siêu vi, chúng có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:

    • nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
    • chảy nước mắt, và mắt bị đỏ
    • đau họng
    • sốt
    • phát ban chuyển sang màu trắng (trắng nhợt) trong tíc tắc hoặc lâu hơn sau khi quý vị dùng ngón tay ấn vào những vết ban này (quý vị cũng có thể ấn mặt kiếng của ly uống nước lên vết phát ban và quan sát xem nó có chuyển sang màu trắng không)
    • ho hoặc hắt hơi
    • nôn mửa và/hoặc tiêu chảy
    • cảm thấy mệt
    • không muốn ăn
    • cảm thấy nói chung là không khỏe.

    Trong khi hầu hết các trẻ em đều bị bệnh nhẹ khi bị nhiễm các loại siêu vi, nhưng trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi có thể trở bệnh nặng rất nhanh và cần được bác sĩ kiểm tra.

    Chăm sóc tại nhà (Care at home)

    Siêu vi không thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Cách điều trị tốt nhất là nghỉ ngơi tại nhà để hệ thống miễn dịch của con quý vị chống lại siêu vi.

    Dưới đây là một số biện pháp đơn giản có thể giúp con quý vị thoải mái hơn:

    • Cho con quý vị uống thường xuyên một lượng nhỏ nước khi thức dậy, chẳng hạn như uống một ngụm nước cứ sau 15 phút hoặc lâu hơn. Điều này giúp giảm đau họng bằng cách giữ ẩm và bổ sung chất lỏng bị mất do sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Bù nước bằng chất lỏng hay kem đá có chứa chất điện giải cũng là một cách tốt để cung cấp nước cho con quý vị.
    • Cung cấp đủ chất lỏng là đặc biệt quan trọng ở trẻ sơ sinh – đây phải là sữa mẹ hoặc sữa công thức, hoặc chất lỏng bù nước như chất điện giải. Xin xem tờ thông tin Mất nước của chúng tôi. Dehydration.
    • Đừng lo lắng nếu con quý vị không ăn trong vài ngày. Khi cảm thấy khỏe hơn, em sẽ bắt đầu ăn trở lại.
    • Cho con quý vị nghỉ ngơi.
    • Sử dụng nước muối nhỏ mũi (saline nasal) để giúp làm sạch mũi bị tắc ở trẻ sơ sinh.  Khi bé được thông mũi, bé sẽ bú dễ dàng hơn.
    • Cho con quý vị uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau hoặc nếu con quý vị cảm thấy khó chịu. Xin xem tờ thông tin Giảm đau cho trẻ em của chúng tôi. Đừng cho con uống aspirin. Kiểm tra cẩn thận nhãn để biết liều lượng chính xác và đảm bảo rằng quý vị chưa cho con mình dùng bất kỳ sản phẩm nào khác có chứa paracetamol hoặc ibuprofen (chẳng hạn như một số loại thuốc ho và thuốc cảm cúm). Pain relief for children
    • Không dùng paracetamol hoặc ibuprofen chỉ để hạ sốt. Sốt giúp cơ thể khỏe lên một cách tự nhiên.
    • Không dùng các biện pháp điều trị khác trừ khi được bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên sử dụng.

    Con quý vị có thể sẽ cảm thấy khá hơn sau vài ngày, nhưng có thể không khỏe hẳn trong tối đa hai tuần. Ho có thể kéo dài trong vài tuần.

    Hầu hết các trường hợp phát ban đều nhẹ và không gây khó chịu cho con quý vị, mặc dù một số trường hợp phát ban có thể gây ngứa nhiều. Hãy nói chuyện với dược sĩ tại địa phương về các phương pháp điều trị có thể giúp giảm ngứa. Phát ban thường kéo dài vài ngày trước khi tự khỏi. Đôi khi trẻ phát ban sau khi hết sốt. Khi vết ban này xuất hiện có nghĩa là trẻ đã khỏe hơn. Xin xem tờ thông tin Phát ban của chúng tôi. Rashes.

    Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)

    Nếu bệnh của con quý vị không thuyên giảm sau 48 giờ hoặc trở nặng hơn, hãy đưa em đến bác sĩ gia đình. Cũng cần đến bác sĩ gia đình nếu con quý vị có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

    • cơn đau không thuyên giảm khi đã uống paracetamol hoặc ibuprofen
    • nôn mửa và tiêu chảy dai dẳng (xin xem tờ thông tin Viêm dạ dày ruột của chúng tôi) Gastroenteritis)
    • sốt cao không thuyên giảm sau 48 giờ
    • từ chối uống nước/sữa hoặc kem đá trong sáu giờ
    • phát ban hoặc có đốm không tái nhợt khi quý vị ấn vào vết ban
    • có số tã ướt ít hơn một nữa so với thường lệ
    • quý vị cảm thấy lo lắng vì bất kỳ lý do nào khác
    • Bú kém hoặc sốt ở trẻ sơ sinh từ ba tháng tuổi trở xuống

    Tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức từ bác sĩ của quý vị hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện nếu con quý vị:

    • rất xanh xao hoặc khó đánh thức
    • khó thở
    • bị phát ban và đau đầu, cứng cổ hoặc đau lưng
    • không khỏe và bị sốt lẫn phát ban trên da (đốm nhỏ màu đỏ tươi hoặc đốm tím hoặc vết bầm tím không rõ nguyên nhân) không chuyển sang màu da (nhạt) khi quý vị ấn vào (xin xem tờ thông tin Viêm màng não cầu khuẩn của chúng tôi) Meningococcal infection)
    • Bú kém hoặc sốt ở trẻ sơ sinh từ một tháng tuổi trở xuống

    Đôi khi siêu vi có thể tác động đến bệnh hen suyễn (nếu con quý vị được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn) hoặc thở khò khè (thở rít). Nếu điều này xảy ra, hãy điều trị bệnh hen suyễn như bình thường. Nếu tiếng khò khè mới xuất hiện và con quý vị khó thở, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ gia đình.

    Bệnh do nhiễm siêu vi lây lan như thế nào? (How are viral illnesses spread?)

    Siêu vi có thể lây lan từ người này sang người khác qua những giọt chất lỏng li ti từ mũi (hắt hơi hoặc sổ mũi) và miệng (nước bọt hoặc ho). Siêu vi cũng có thể lây lan qua dịch nôn mửa hoặc phân (poo), đặc biệt là khi ai đó bị tiêu chảy.

    Thường có sự chậm trễ giữa thời điểm trẻ tiếp xúc với siêu vi và thời điểm trẻ phát bệnh. Sự chậm trễ này thường là một vài ngày, nhưng có thể sau hai hoặc ba tuần các triệu chứng mới xuất hiện.

    Vệ sinh tốt làm giảm khả năng nhiễm siêu vi hoặc truyền siêu vi cho người khác. Vệ sinh tốt bao gồm:

    • thường xuyên rửa tay kỹ
    • không dùng chung cốc hoặc dao kéo
    • khuyến khích trẻ ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay
    • sử dụng khăn giấy thay vì khăn tay – dạy con quý vị vứt khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi chúng sử dụng xong và rửa tay sau đó.

    Nếu con quý vị không khỏe vì nhiễm siêu vi gây bệnh, hãy cho trẻ ở nhà, không cho trẻ đến nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trường học cho đến khi trẻ khỏe lại.

    Gần như không thể ngăn con quý vị nhiễm siêu vi gây bệnh, nhưng quý vị có thể giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của con quý vị ở trạng thái tốt bằng cách đảm bảo chúng có một chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc. Hầu hết trẻ em không cần bổ sung vitamin hàng ngày. Điều quan trọng là phải cập nhật lịch tiêm chủng cho con quý vị để ngăn ngừa các căn bệnh do siêu vi gây ra như sởi, quai bị, sởi Đức và thủy đậu (trái rạ).

    Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)

    • Bệnh do siêu vi gây ra rất phổ biến ở trẻ em và dễ dàng lây lan xung quanh nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trường học.
    • Thông thường, trẻ em có thể mắc tới 12 lần nhiễm siêu vi gây bệnh vào mỗi năm trong những năm đầu đời và có vẻ như lúc nào trẻ cũng bị bệnh.
    • Cách điều trị tốt nhất là nghỉ ngơi tại nhà.  Thuốc kháng sinh sẽ không giúp điều trị các bệnh do siêu vi gây ra.
    • Nếu con quý vị không thuyên giảm sau 48 giờ hoặc các triệu chứng của em trở nặng hơn, hãy đưa em đến bác sĩ gia đình của quý vị.

    Các câu hỏi phổ biến thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

    Tôi có cần đến bác sĩ khám để chẩn đoán siêu vi cho con mình không?

    Nếu con quý vị chỉ có các triệu chứng nhẹ và thuyên giảm nhờ uống paracetamol hoặc ibuprofen, và em có vẻ đỡ hơn sau 48 giờ, thì không cần đến bác sĩ. Thông thường, rất khó để xác định con quý vị mắc phải loại siêu vi cụ thể nào và dù sao thì điều đó cũng không quan trọng vì việc điều trị là như nhau – nghỉ ngơi tại nhà và không dùng kháng sinh vì kháng sinh không giúp ích gì đối với siêu vi.

    Tôi có thể áp dụng những biện pháp tự nhiên nào để giúp con tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi bị cảm lạnh?

    Chúng tôi không khuyên quý vị nên điều trị – dù là bằng phương pháp y tế hay tự nhiên – cho trẻ mà không có sự tham khảo ý kiến với bác sĩ. Như đã nêu trong tờ thông tin này, quý vị thường có thể chăm sóc con mình tại nhà khi trẻ bị cảm lạnh bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ nghỉ ngơi và giảm đau đơn giản (ví dụ như paracetamol) nếu trẻ không thoải mái.

    Các sản phẩm không kê đơn như vitamin hoặc chất bổ sung (ví dụ như vitamin C, vitamin tổng hợp) là không cần thiết. Những sản phẩm này thường không có hoặc có ít bằng chứng khoa học để chứng minh nó có tác dụng trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị siêu vi gây bệnh như cảm lạnh.

    Các biện pháp khắc phục thường được truyền lại trong gia đình (ví dụ như giữ ấm, tránh đi ngủ với mái tóc ướt, không đi ra ngoài với chân trần hoặc tóc ướt và ở trong nhà) đã không được chứng minh là có thể ngăn ngừa cảm lạnh. Các biện pháp trên được phát triển trước khi người ta phát hiện ra rằng cảm lạnh là do siêu vi.


    Được các khoa Bệnh Truyền nhiễm và Y học Đa khoa của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Victoria soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.

    Được duyệt lại vào tháng 7 năm 2023

    Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) tài trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

    Bãi miễn trách nhiệm

    Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.