Head injury – general advice (Vietnamese) – Chấn thương đầu – lời khuyên chung

  • Trẻ em thường va chạm hoặc đập đầu và rất khó để biết liệu vết thương có nghiêm trọng hay không. Bất kỳ cú va chạm nào vào đầu đều được coi là chấn thương đầu.

    Chấn thương đầu được phân loại như nhẹ, trung bình hoặc nặng. Nhiều vết thương ở đầu là nhẹ và chỉ để lại một cục u hoặc vết bầm nhỏ. Chấn thương đầu ở mức nhẹ có thể được xử lý tại nhà, nhưng nếu con quý vị có các triệu chứng chấn động não thì nên đến bác sĩ.

    Quý vị nên gọi xe cứu thương ngay lập tức nếu con quý vị:

    • đã bị chấn thương đầu có liên quan đến tốc độ cao hoặc độ cao lớn hơn một mét, ví dụ như đụng xe, tai nạn trượt ván tốc độ cao hoặc ngã từ thiết bị của sân chơi.
    • mất ý thức (bất tỉnh).
    • bị động kinh, co giật hoặc kinh phong.
    • ngày càng bị lẫn lộn, mất trí nhớ hoặc phản ứng kém hơn hoặc buồn ngủ.
    • bị mất thị lực hoặc nhìn thấy hai hình ảnh.
    • bị yếu hoặc tê/ngứa ran ở nhiều hơn một cánh tay hoặc chân.
    • bị đau hoặc cứng ở cổ.
    • có vẻ không khỏe và nôn mửa nhiều lần.
    • bị đau đầu dữ dội hoặc gia tăng.
    • gia tăng bồn chồn, kích động hoặc nóng nảy.

    Bảng chú giải thuật ngữ về chấn thương đầu (Glossary of head injury terms)

    Chấn động não – một chấn thương sọ não nhẹ làm thay đổi cách thức hoạt động của não. Các triệu chứng của chấn động não thường là tạm thời nhưng có thể bao gồm một loạt các triệu chứng về thể chất (đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, các vấn đề về thị giác, thăng bằng kém, nhạy cảm với tiếng ồn), thay đổi về cảm xúc (lo âu, khó chịu, buồn bã), thay đổi về tư duy (mất ngủ, lẫn lộn, khó nhớ, suy nghĩ chậm hơn) và rối loạn giấc ngủ.  

    Mất ý thức – khi một người không thể mở mắt, nói hoặc làm theo mệnh lệnh. Họ không có nhận thức về sự kích thích từ bên ngoài cơ thể và có thể không nhớ khoảng thời gian ngay trước và sau khi bị thương.

    Dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương đầu (Signs and symptoms of head injury)

    Các triệu chứng xảy ra ngay sau khi bị chấn thương đầu được sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của vết thương. Thông tin dưới đây là một hướng dẫn.  

    Chấn thương đầu từ trung bình đến nặng (Moderate to severe head injury)

    Nếu con quý vị bị chấn thương đầu ở mức trung bình hoặc nặng, trẻ có thể biểu hiện các triệu chứng 'cảnh báo nguy hiểm (red flag)' như những triệu chứng được liệt kê ở trên.

    Chấn thương đầu nhẹ (không chấn động não) (Mild head injury (no concussion))

    Chấn thương đầu nhẹ là khi con quý vị:

    • đã có một cục u lớn ở đầu.
    • hiện tỉnh táo và tương tác với quý vị.
    • không bị nôn mửa.
    • có thể có vết bầm tím hoặc vết cắt trên đầu.
    • mặt khác thì bình thường.

    Quý vị nên tìm lời khuyên y tế nếu con quý vị xuất hiện các triệu chứng mới của chấn thương đầu hoặc quý vị lo lắng về các triệu chứng này. Nếu không, hãy tiếp tục quan sát con quý vị xem có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào được nêu ở trên khi chăm sóc tại nhà hay không.

    Chấn thương đầu nhẹ (có thể bị chấn động não) (Mild head injury (possible concussion)

    Chấn động não là khi con quý vị:

    • có thể biểu hiện thay đổi về mức độ ý thức (ví dụ như bất tỉnh, lẫn lộn hoặc quên) tại thời điểm bị thương.
    • có thể gặp một loạt các triệu chứng về thể chất (nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, các vấn đề về thị giác, thăng bằng kém, nhạy cảm với tiếng ồn).
    • có thể trải qua những thay đổi về cảm xúc (lo âu, khó chịu, buồn bã).
    • có thể có những thay đổi về tư duy (mơ hồ, lẫn lộn, khó ghi nhớ, suy nghĩ chậm hơn) và rối loạn giấc ngủ.
    • Những triệu chứng này thường là tạm thời.

    Quý vị nên tìm lời khuyên y tế nếu con quý vị có bất kỳ triệu chứng chấn động não nào được nêu ở trên.

    Chăm sóc tại nhà (Care at home)

    Trẻ em và thanh thiếu niên bị chấn động não có thể cần tới bốn tuần để hồi phục, nhưng hầu hết các cơn chấn động não sẽ tự khỏi sau vài ngày. Sau khi bị chấn thương đầu nhẹ, con quý vị nên có một khoảng thời gian nghỉ ngơi tương đối (không bắt buộc nghiêm ngặt) trong 24 đến 48 giờ đầu tiên. Trẻ nên quay trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và hoạt động thể chất nhẹ (ví dụ như đi bộ) nhưng nên giảm thiểu việc tập thể dục cường độ cao, thực hiện các môn thể thao và sử dụng thiết bị có màn hình như tivi, máy tính và điện thoại thông minh trong thời gian này.

    Ứng dụng HeadCheck có thể giúp kiểm soát việc trẻ phục hồi tại nhà sau khi bị chấn động não và được cung cấp miễn phí trên App store và Google store. HeadCheck là một tiện ích tương tác; lợi ích chính là cho phép gia đình theo dõi các triệu chứng của trẻ hàng ngày, và sau đó cung cấp các ví dụ về các hoạt động phù hợp dựa trên các triệu chứng và độ tuổi.

    Con quý vị có thể bị đau đầu sau khi bị chấn thương đầu. Cho trẻ uống paracetamol, không phải ibuprofen hoặc aspirin) cứ sau sáu giờ nếu cần để giảm đau.

    Không cần thiết phải đánh thức con quý vị vào ban đêm trừ khi quý vị được bác sĩ khuyên nên làm như vậy. Hãy gọi xe cứu thương ngay lập tức nếu quý vị gặp khó khăn trong việc đánh thức con mình.

    Trẻ em bị chấn thương đầu có thể xuất hiện các triệu chứng tại các thời điểm khác nhau. Một số triệu chứng có thể không biểu hiện ngay sau chấn thương ban đầu, nhưng có thể xuất hiện sau vài ngày (ví dụ: mệt mỏi, khó ngủ, thay đổi tâm trạng).

    Nếu con quý vị gặp bất kỳ triệu chứng “cảnh báo nguy hiểm” nào sau đây, hãy đưa trẻ đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất ngay lập tức:

    • các triệu chứng trầm trọng hơn như đau đầu (nặng, dai dẳng, không thuyên giảm khi dùng paracetamol), lẫn lộn (hành vi lẫn lộn hoặc bất thường), khó chịu hoặc nôn mửa.
    • buồn ngủ quá mức hoặc khó thức dậy.
    • chảy máu hoặc có bất kỳ chất dịch nào chảy ra từ tai hoặc mũi.
    • bất tỉnh/động kinh/kinh phong/mặt hay tay chân bị co giật.
    • mắt bị mờ hoặc nhìn thấy thành hai hình ảnh.
    • điều khiển tay chân kém hoặc vụng về.
    • bất kỳ điểm yếu nào mới ở tay hoặc chân hoặc bất kỳ điểm yếu hiện có nào trở nên trầm trọng hơn hoặc không cải thiện.
    • khó nuốt hoặc ho khi ăn uống.
    • nhạy cảm với tiếng ồn.
    • nói lắp hoặc không rõ ràng.

    Nếu con quý vị bị chấn thương ở đầu, trẻ nên dần dần quay trở lại trường học và chơi thể thao. Đối với những chấn thương ở đầu từ trung bình đến nặng, bác sĩ sẽ tư vấn cho quý vị. Để có lời khuyên về cách đưa con quý vị trở lại hoạt động bình thường nếu trẻ bị chấn thương ở đầu nhẹ, hãy xem tờ thông tin của chúng tôi Chấn thương đầu – trở lại trường học và chơi thể thao. Head injury – return to school and sport.

    Mệt mỏi quá mức (Excessive fatigue) 

    Mệt mỏi là một vấn đề phổ biến có thể xảy ra sau khi bị chấn thương đầu. Khi một đứa trẻ bị mệt mỏi 'quá mức', điều đó có nghĩa là não của chúng phải làm việc nhiều hơn cho những việc mà thường dễ dàng thực hiện, chẳng hạn như làm bài tập ở trường, các hoạt động thể chất, xem TV, chơi trò chơi trên máy tính, hoặc trò chuyện lâu.

    Con quý vị có thể gặp một số hoặc tất cả các triệu chứng dưới đây sau khi bị chấn động não và thường những triệu chứng này sẽ giảm dần và hết sau bốn tuần bị chấn thương:

    • đau đầu.
    • mắt bị mờ.
    • chóng mặt, mất thăng bằng, nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng.
    • chậm chạp khi suy nghĩ, hiểu và trả lời các câu hỏi hoặc mệnh lệnh.
    • tập trung kém.
    • gặp khó khăn về trí nhớ.
    • khó khăn khi nghĩ ra những từ thích hợp để nói.
    • đòi hỏi nhiều hơn lúc bình thường và dễ nản lòng.
    • trở nên sợ hãi và lo âu nhiều hơn.
    • thay đổi giấc ngủ.
    • thay đổi tâm trạng và cáu kỉnh.

    Nếu hoạt động hoặc hành vi về thể chất hoặc nhận thức của con quý vị rất khác so với bình thường hoặc tình trạng trở nên tệ hơn, hãy đưa trẻ trở lại bác sĩ hoặc khoa cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.

    Trong khi các triệu chứng vẫn tồn tại, trẻ nên có một khoảng thời gian nghỉ ngơi tương đối (không nghiêm ngặt) nhưng nên tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày và quay lại hoạt động thể chất nhẹ, ví dụ như đi bộ. Trẻ cần ngủ đủ giấc, có chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế xem tivi, chơi trên các thiết bị điện tử di động. Cho phép con quý vị dần dần quay trở lại với việc đọc và các hoạt động mà đòi hỏi thời gian tập trung hoặc suy nghĩ cao hơn.

    Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)

    • Chấn thương ở đầu có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng.
    • Gọi xe cứu thương nếu con quý vị bị chấn thương ở đầu có liên quan đến tốc độ cao hoặc độ cao, hoặc nếu sau khi bị đập vào đầu, trẻ bất tỉnh hoặc nôn mửa nhiều lần.
    • Con quý vị có thể xuất hiện một số triệu chứng khác nhau trong nhiều tuần sau khi bị chấn thương đầu. Nếu con quý vị có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nguy hiểm nào được mô tả ở trên, quý vị nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
    • Trẻ bị chấn động não cần có thời gian nghỉ ngơi tương đối (không nghiêm ngặt) trong 24-48 giờ đầu tiên. Con quý vị nên ngủ đủ giấc, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị màn hình nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động hàng ngày như đọc sách, đi bộ và tăng dần các hoạt động này miễn là nó chỉ gây ra sự tăng nhẹ về các triệu chứng trong một thời gian ngắn (dưới một giờ). .
    • Hầu hết trẻ em đều hồi phục tốt sau khi bị chấn thương đầu nhẹ. Nếu con quý vị vẫn cần được hỗ trợ để quay lại hoạt động hàng ngày sau hai tuần bị chấn thương đầu nhẹ, trẻ nên được bác sĩ gia đình (GP) xem xét để đánh giá về y tế. Trẻ em có các triệu chứng kéo dài hơn bốn tuần có thể được chuyển đến Dịch vụ Phục hồi Nhi khoa Victoria (VPRS) của RCH. Bác sĩ gia đình (GP) có thể giới thiệu quý vị đến các dịch vụ VPRS ngoại trú tại địa phương qua trang mạng của dịch vụ này. RCH Victorian Paediatric Rehabilitation Service (VPRS). GPs can make referrals to your local outpatient VPRS services via its website.
    • Nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến việc tiếp cận VPRS ngoại trú, quý vị có thể liên hệ với điều phối viên ngoại trú RCH VPRS bằng cách gọi số 03 9345 9300 hoặc gửi email tới rehab.services@rch.org.au rehab.services@rch.org.au.

      Các câu hỏi mà bác sĩ thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

      Làm thế nào để tôi biết liệu sự cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng của con tôi là do cháu mệt mỏi sau khi bị chấn thương đầu hay do điều gì đáng lo ngại?

      Trẻ em thường nhanh chóng trở nên mệt mỏi (mệt mỏi) sau khi bị chấn thương đầu và điều này có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ triệu chứng nào có thể xảy ra sau đó, chẳng hạn như lẫn lộn, rối loạn cảm xúc và các vấn đề về tư duy. Nếu lo lắng, quý vị hãy đưa trẻ đến bác sĩ. Nếu hành vi của con quý vị thật khác biệt so với bình thường, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.


      Được các khoa Cấp cứu, Phẫu thuật Thần kinh và Tâm lý học Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc tại bệnh viện RCH.

      Đã được xem lại vào tháng 10 năm 2023

      Hãy luôn tìm kiếm lời khuyên mới nhất từ bác sĩ đã đăng ký và đang hành nghề

      Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) hỗ trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

      Bãi miễn trách nhiệm

      Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.