Constipation (Vietnamese) – Táo bón

  • Táo bón là khi trẻ đi tiêu phân cứng (phân hoặc chất bả thải ra khỏi ruột) và/hoặc không đi tiêu thường xuyên. Có rất nhiều sự khác biệt về độ cứng của phân và tần suất đi tiêu bình thường ở trẻ em.

    • Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể đi tiêu sau mỗi lần bú hoặc chỉ đi tiêu một lần vào mỗi tuần.
    • Trẻ bú bình và trẻ lớn hơn thường sẽ đi tiêu ít nhất một đến ba ngày một lần.

    Táo bón là một vấn đề phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là vào khoảng thời gian tập tiểu tiện hoặc bắt đầu ăn thức ăn cứng. Táo bón cũng có thể trở thành một vấn đề sau khi trẻ đi tiêu bị đau hoặc sợ hãi.

    Các dấu hiệu và triệu chứng của táo bón (Signs and symptoms of constipation)

    Táo bón có thể gây ra:

    • co thắt dạ dày (cơn đau có xu hướng lúc có lúc không)
    • con quý vị cảm thấy ít đói hơn bình thường
    • tính tình cáu kỉnh
    • hậu môn bị nứt (các vết nứt nhỏ của da xung quanh hậu môn) gây đau đớn và chảy máu khi đi tiêu – đó là do trẻ phải rặn để đi tiêu một lượng phân lớn và cứng
    • có hành vi nín/nhịn, chẳng hạn như ngồi xổm, bắt chéo chân hoặc từ chối ngồi lên bàn cầu trong nhà vệ sinh.

    Nếu con quý vị bị táo bón, em có thể trông đầy hơi hơn bình thường và thậm chí quý vị có thể cảm thấy những cục phân cứng nếu quý vị ấn nhẹ vào bụng trẻ.

    Táo bón lâu ngày có thể khiến con quý vị tự đi tiêu (tiêu trong quần hoặc són ra quần). Điều này xảy ra nếu trực tràng (phía dưới) của con quý vị đầy phân trong một thời gian dài và bị căng ra. Con quý vị có thể không muốn đi tiêu vì trực tràng luôn cảm thấy bị căng ra. Sau đó, phân có thể rò rỉ ra quần của con quý vị mà em không cảm thấy gì. Về mặt y tế, tình trạng đi tiêu ra quần gọi là 'ỉa đùn' hoặc 'đi tiêu mất tự chủ'.

    Điều gì gây ra táo bón? (What causes constipation?)

    Trong hầu hết các trường hợp táo bón ở trẻ em, người ta không tìm thấy nguyên nhân nghiêm trọng nào gây ra táo bón. Một số lý do có thể bao gồm:

    • Xu hướng tự nhiên – một số trẻ có vận động ruột chậm, gây ra táo bón.
    • Thói quen đi tiêu – chẳng hạn như bỏ qua khi buồn đi tiêu. Nhiều trẻ nhỏ mải chơi và trì hoãn đi tiêu. Sau đó, phân trở nên cứng hơn và to hơn. Nên dành thời gian đi vệ sinh ba lần một ngày, vào mỗi ngày để có thể đi tiêu đều đặn, không bị xáo trộn.
    • Hành vi nín/nhịn – một đứa trẻ có thể bắt đầu 'nín' sau một trải nghiệm đau đớn hoặc đáng sợ, chẳng hạn như đi tiêu phân cứng khi hậu môn bị nứt. Việc nín đi tiêu càng làm phân cứng lại và khiến lần đi tiêu tiếp theo càng đau hơn.
    • Thay đổi môi trường của nhà vệ sinh – chẳng hạn như nhà vệ sinh ở trường mới hoặc không thích, hoặc được yêu cầu nín khi em cảm thấy muốn đi tiêu (thường là ở trường học).
    • Chế độ ăn uống – chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến và ít trái cây tươi và rau quả có thể dẫn đến táo bón. Trẻ em uống một lượng lớn sữa bò mỗi ngày cũng có thể bị táo bón.
    • Bệnh tật – ở một số rất ít trẻ em, các căn bệnh chẳng hạn như không có đầu dây thần kinh bình thường ở các phần của ruột, khuyết tật tủy sống, suy tuyến giáp và một số rối loạn chuyển hóa khác có thể gây táo bón. Tất cả những căn bệnh nói trên hiếm xảy ra, nhưng bác sĩ sẽ kiểm tra xem con quý vị có mắc phải hay không.

    Chăm sóc tại nhà (Care at home)

    Quý vị chỉ cần lo lắng về độ cứng của phân hoặc tần suất đi tiêu của con quý vị nếu điều đó có vẻ gây ra vấn đề. Trong hầu hết các trường hợp, quý vị có thể điều trị cho con mình tại nhà để giúp em khỏi táo bón.

    Thói quen tốt cho việc đi tiêu (Healthy bowel habits)

    Nếu con quý vị đang tập đi vệ sinh bị táo bón, điều quan trọng là em phải tập thói quen ngồi lên bàn cầu thường xuyên.

    • Con quý vị nên ngồi lên bàn cầu sau bữa sáng, bữa trưa và bữa tối – ngay cả khi em không cảm thấy muốn đi tiêu. Trẻ nên ngồi từ ba đến năm phút, ngay cả khi em đã đi tiêu xong trước đó. Sử dụng đồng hồ bấm giờ trong bếp có thể tránh tranh cãi về việc trẻ đã ngồi lên bàn cầu trong bao lâu.
    • Củng cố các hành vi tốt (ngồi và đi tiêu trong nhà vệ sinh) bằng sự khuyến khích và nhãn dán hoặc biểu đồ phần thưởng phù hợp với lứa tuổi, hoặc các cách sáng tạo khác. Khen ngợi khi con quý vị ngồi lên bàn cầu trong nhà vệ sinh, ngay cả khi em không đi tiêu.
    • Khuyến khích con quý vị đi tiêu khi cảm thấy có nhu cầu.
    • Đảm bảo con quý vị có bàn ngồi phù hợp để sử dụng nhà vệ sinh dành cho người lớn. Điều này có thể bao gồm một tấm lót cho bàn ngồi trong nhà vệ sinh và một chiếc ghế để em gác chân.

    Loại bỏ các thứ có liên quan gây sợ hãi hoặc đau đớn (Remove frightening or painful associations)

    • Nhiều trẻ nhỏ lo lắng rằng chúng có thể rơi vào trong bồn cầu. Một chiếc ghế gác chân hoặc thanh vịn có thể giúp ích cho trẻ. Để một cuốn sách yêu thích của trẻ bên cạnh bàn cầu có thể khiến em cảm thấy dễ chịu hơn.
    • Quý vị có thể muốn tìm xem con mình có lo lắng khi sử dụng nhà vệ sinh ở trường học, mẫu giáo hoặc nhà trẻ không và xem liệu quý vị có thể làm gì để giúp em.

    Một chế độ ăn uống lành mạnh (A healthy diet)

    Chế độ ăn ít quan trọng hơn trong việc điều trị táo bón cho trẻ em so với người lớn, nhưng việc tăng lượng chất xơ có thể giúp ích cho một số trẻ có khuynh hướng bị táo bón tự nhiên. Để thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn của con quý vị, quý vị có thể thử những cách sau:

    • Ít nhất hai khẩu phần trái cây mỗi ngày – trái cây còn nguyên vỏ, chẳng hạn như mận (plum), mận khô (prune), nho khô, mơ và đào, có rất nhiều chất xơ.
    • Nước ép mận khô (prune juice) – đây là một loại thuốc nhuận tràng nhẹ, tự nhiên có tác dụng ở một số trẻ em. Nước ép mận khô có thể ngon hơn nếu trộn với nước trái cây khác, chẳng hạn như nước ép táo, mơ hoặc việt quất. Quý vị có thể để nước ép mận khô vào ngăn đá để làm kem đá. Mận khô không hột và/hoặc quả mơ có thể được sử dụng ở nhóm tuổi nhỏ hơn khi nước trái cây chưa được dùng cho trẻ. Cho mận khô vào nước sôi và ngâm trong 10 phút. Chắt gần hết nước sôi và xay nhuyễn thành hỗn hợp sánh mịn. Thêm hỗn hợp xay nhuyễn này vào khẩu phần ăn uống của trẻ.
    • Ăn ít nhất ba phần rau mỗi ngày.
    • Sử dụng các loại ngũ cốc ít chế biến hơn, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên cám, lúa mì vụn, ngũ cốc thô/nguyên hạt hoặc bột yến mạch – tránh các loại ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như Corn Flakes và Rice Bubbles.
    • Ăn bánh mì Wholemeal/Wholegrain thay cho bánh mì trắng.

    Nếu con quý vị trên 18 tháng tuổi, hãy giảm lượng sữa bò xuống tối đa 500 ml mỗi ngày và tránh uống nước ngọt trước bữa ăn. Điều này sẽ giúp cải thiện sự thèm ăn của con quý vị trong bữa ăn.

    Trẻ bị táo bón uống sữa công thức có thể cần thay đổi công thức sau khi tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế. Tránh thay đổi nhiều công thức vì điều này có thể góp phần gây ra vấn đề khác cho trẻ.

    Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)

    Nếu con của quý vị dưới 12 tháng tuổi và quý vị cho rằng em bị táo bón, quý vị nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình hoặc Y tá Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em.

    Đối với trẻ lớn hơn, nếu những thay đổi đơn giản về chế độ ăn uống không giúp ích gì, trẻ bị đau dữ dội hoặc chảy máu từ mông, quý vị nên đưa trẻ đến bác sĩ gia đình.

    Thay đổi chế độ ăn đơn giản được khuyến khích cho sức khỏe tổng thể nếu những thay đổi này không tạo ra việc đi cầu phân mềm trong vòng 3 ngày thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình của quý vị. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc nhuận tràng.

    Trẻ bị táo bón trong nhiều tháng có thể cần dùng thuốc nhuận tràng trong vài tháng, bên cạnh việc khuyến khích trẻ có thói quen đi tiêu lành mạnh.

    Các loại thuốc nhuận tràng

    Thuốc nhuận tràng có sẵn tại các hiệu thuốc mà không cần đơn thuốc, nhưng không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.

    • Hỗn hợp paraffin lỏng dạng lỏng có hương vị, và có tác dụng bôi trơn phân để phân dễ ra ngoài hơn. Nó không chứa bất kỳ loại thuốc nào.
    • Osmolax chứa trong ống. Nó có thể được trộn với nhiều chất lỏng nóng hoặc lạnh khác nhau và/hoặc thêm vào thức ăn. Nó không có mùi vị, rất hữu ích cho trẻ em. Nó có tác dụng làm mềm phân.
    • Macrogol3350 dạng gói để trộn với nước và có tác dụng làm mềm phân. Nó chỉ có thể được trộn với nước và có mùi vị.
    • Lactulose dạng gói để trộn với nước và có tác dụng làm mềm phân. Nó chỉ có thể được trộn với nước và có mùi vị.
    • Docusate/poloxalkol dạng viên hoặc thuốc nhỏ giọt (thích hợp nhất cho trẻ em dưới ba tuổi) và có tác dụng làm mềm phân.
    • Senna dạng viên hoặc hạt, và có tác dụng kích thích ruột thải phân ra ngoài. Có thể trộn thuốc này với thức ăn như táo hầm. Con quý vị có thể bị tiêu chảy hoặc đau bụng nếu liều lượng quá cao.
    • Bisacodyl dạng viên hoặc hạt, và có tác dụng kích thích ruột thải phân ra ngoài. Có thể trộn thuốc này với thức ăn như táo hầm. Con quý vị có thể bị tiêu chảy hoặc đau bụng nếu liều lượng quá cao.
    • Chất xơ trấu Psyllium là một chất xơ bổ sung tự nhiên giúp làm mềm phân và là thuốc nhuận tràng nhẹ. Nó có thể được trộn vào thức ăn của con quý vị.
    • Thuốc nhét hậu môn và thuốc thụt loại nhỏ là những thuốc viên nhỏ hoặc chất lỏng được đặt vào trực tràng của con quý vị, giúp kích thích trực tràng đẩy phân ra. Chúng không làm mềm phân ở phần ruột phía trên. Đôi khi thuốc này được khuyên sử dụng cho trường hợp táo bón nặng, nhưng thuốc nhuận tràng dạng uống hiệu quả hơn và ít gây khó chịu hơn cho hầu hết trẻ em. Thuốc nhét hậu môn Glycerine có thể được sử dụng cho chứng táo bón nặng ở trẻ sơ sinh. Không bao giờ cho con quý vị sử dụng thuốc nhét hậu môn trừ khi bác sĩ đã dặn quý vị như vậy.
    • Xổ ruột – một số rất ít trẻ em bị táo bón nặng đến mức phải nhập viện để xổ ruột. Điều này thường được thực hiện bằng cách sử dụng chất lỏng 'chuẩn bị cho ruột' ('bowel prep' fluid) dưới dạng đồ uống hoặc đặt ống dẫn vào dạ dày (ống thông dạ dày).

    Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)

    • Có rất nhiều sự khác biệt về độ cứng của phân và tần suất đi tiêu của trẻ.
    • Quý vị chỉ cần lo lắng về độ cứng của phân hoặc tần suất đi tiêu của con quý vị nếu điều đó có vẻ gây ra vấn đề.
    • Táo bón có thể gây co thắt dạ dày, giảm cảm giác thèm ăn và khó chịu.
    • Hãy đến gặp bác sĩ nếu những thay đổi đơn giản về chế độ ăn uống không giúp ích gì trong vòng 3 ngày, con quý vị bị đau dữ dội hoặc nếu bị chảy máu từ mông.
    • Táo bón thường có thể được kiểm soát bằng thói quen đi tiêu lành mạnh và thuốc men theo lời khuyên của bác sĩ.

    Các câu hỏi phổ biến thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

    Khi nào tôi nên lo lắng về màu phân của con tôi?

    Nhìn chung, phân của trẻ có màu từ nâu vàng đến xanh đậm đều không sao cả. Nếu phân của con quý vị có màu trắng, đỏ hoặc đen, hãy đưa trẻ đến bác sĩ.

    Con tôi rặn để đi tiêu, có phải là em bị táo bón không?

    Trẻ dưới sáu tháng tuổi thường rặn trước khi đi tiêu có phân mềm. Đây không phải là táo bón, mà là phản ánh việc đang phát triển kỹ năng/khả năng chậm trong việc phối hợp vận động ruột để đi tiêu.


    Được Khoa Cấp cứu và Y khoa Đa khoa của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.

    Đã được duyệt vào tháng 8 năm 2023

    Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) tài trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

    Bãi miễn trách nhiệm

    Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.