Challenging behaviour – toddlers and young children (Vietnamese) – Hành vi ngỗ ngược – trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ

  • Trẻ nhỏ thường có nhiều loại cảm xúc và thể hiện bản thân theo nhiều cách khác nhau. Việc trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ nổi cơn thịnh nộ và không nghe lời là điều bình thường trong lúc trẻ đang phát triển và học các kỹ năng về mặt xã hội và cảm xúc của mình.

    Điều quan trọng là quý vị và những người chăm sóc nên đáp ứng và hỗ trợ con mình trong khi em đang phát triển và học cách quản lý cảm xúc của chính em. Hướng dẫn con quý vị và khuyến khích những hành vi tích cực sẽ giúp trẻ học được những cách cư xử phù hợp.

    Các dấu hiệu và triệu chứng của hành vi ngỗ ngược (Signs and symptoms of challenging behaviour)

    Các gia đình sẽ có những kỳ vọng khác nhau về những gì được chấp nhận và những gì được coi là hành vi ngỗ ngược. Một số hành vi ngỗ ngược mà các gia đình thường gặp bao gồm:

    • chống đối (ví dụ: từ chối làm theo yêu cầu của quý vị)
    • quấy khóc (ví dụ như từ chối ăn một số loại thực phẩm hoặc mặc quần áo nhất định)
    • làm tổn thương người khác (ví dụ như cắn, đá)
    • tức giận quá mức khi đứa trẻ không có được sự đòi hỏi theo ý của mình
    • nổi cơn thịnh nộ (trung bình mỗi ngày một lần, cao nhất vào năm trẻ lên 2 tuổi).

    Điều gì gây ra hành vi ngỗ ngược? (What causes challenging behaviour?)

    Hành vi ngỗ ngược đôi khi là do con của quý vị vẫn đang học các kỹ năng giao tiếp trong xã hội và cảm xúc cần thiết để em có thể cư xử theo cách quý vị muốn. Thông thường, khi một đứa trẻ cư xử không đúng mực, đó là phản ứng của cảm giác lo lắng, tức giận hoặc choáng ngợp và em đang phải vật lộn để xử lý những cảm xúc to tát đó.

    Trẻ nhận được nhiều lợi ích từ sự quan tâm tích cực của cha mẹ và người chăm sóc, vì thế em có thể cảm thấy an toàn và phát triển mạnh về mặt cảm xúc. Trẻ có khi thể hiện những hành vi ngỗ ngược nhằm cố gắng thu hút sự chú ý và đáp ứng từ người lớn – đối với một số trẻ em, ngay cả sự chú ý tiêu cực cũng tốt hơn là không chú ý gì cả.

    Trẻ nhỏ cũng dễ bị phân tâm và có trí nhớ kém, đó có thể là lý do tại sao đôi khi các em không làm theo những gì quý vị yêu cầu hoặc làm đi làm lại những việc giống nhau.

    Có một số điều khác có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát phản ứng, cảm xúc hoặc hành vi của con quý vị, đó là:

    • không khỏe
    • ngủ không đủ giấc hoặc mệt mỏi
    • quá nhiều thời gian cho TV/máy tính
    • chế độ ăn uống kém hoặc cảm thấy đói
    • hoàn cảnh gia đình hoặc thói quen thay đổi.

    Đôi khi, hành vi ngỗ ngược đang diễn ra có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe khác hoặc một vấn đề về phát triển, về xã hội hoặc cảm xúc chưa được biết đến. Điều quan trọng nữa là phải xem xét hoàn cảnh hoặc môi trường hiện tại của đứa trẻ và điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đối với em. Nếu quý vị lo lắng về con mình, hãy đến gặp bác sĩ gia đình. 

    Là một phần của sự phát triển khỏe mạnh, trẻ mới biết đi sẽ dần dần học cách kiểm soát để làm thế nào phản ứng với các tình huống khác nhau. Khi con quý vị lớn hơn, em sẽ có thể hiểu nhiều hơn về hành vi nào là được chấp nhận và có thể kiểm soát hành vi của mình tốt hơn.

    Làm thế nào để đối phó với các hành vi ngỗ ngược (How to deal with challenging behaviours)

    Việc đặt ra các quy tắc và ranh giới rõ ràng là rất quan trọng để con quý vị biết những hành vi nào quý vị mong đợi ở em. Hướng dẫn của quý vị cần đơn giản và ngắn gọn (ví dụ: không đánh. Đánh đau”), và phải chắc chắn rằng con quý vị hiểu những gì quý vị nói với em. Việc đưa ra hướng dẫn ngắn gọn và đơn giản về hành vi mà quý vị muốn thấy (ví dụ: “hãy cư xử nhẹ nhàng với anh/em của con”) cũng rất quan trọng.

    Có một số biện pháp để ngăn cản các hành vi ngỗ ngược, chẳng hạn như:

    • Phớt lờ – đối với những hành vi nhỏ nhằm thu hút sự chú ý, tốt nhất là phớt lờ hành vi đó (ví dụ: quay lưng lại với con quý vị và chỉ đáp ứng khi chúng ngừng thực hiện hành động đó). Liên tục phản ứng với những hành vi tiêu cực có thể dạy cho trẻ rằng đây là một cách tốt để thu hút sự chú ý của quý vị.
    • Chuyển sự chú ý – trẻ nhỏ có thể ngừng hành vi tiêu cực nếu được đưa ra một giải pháp thay thế hấp dẫn.
    • Khuyến khích sự đồng cảm – chỉ ra hành vi của con quý vị khiến người khác cảm thấy như thế nào (ví dụ: buồn, tổn thương) và hỏi xem em sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó làm điều như vậy với em.

    Đối phó với hành vi nghiêm trọng mang nhiều tính tiêu cực đang diễn ra có thể rất căng thẳng. Điều tốt nhất là hướng dẫn hành vi của con quý vị bằng cách sử dụng phương pháp tích cực.

    Củng cố phương pháp tích cực (Positive reinforcement)

    Phương pháp tích cực để quản lý hành vi của con quý vị bao gồm công nhận và khen thưởng các hành vi tốt thường xuyên và tập trung vào các khía cạnh tích cực trong hành vi của con quý vị, thay vì hướng sự chú ý đến các hành vi tiêu cực.

    • Củng cố các hành vi tích cực trước khi chúng trở nên tiêu cực (ví dụ: “Mẹ nghĩ con đang làm rất tốt khi chơi nhẹ nhàng với anh/em trai của con”). Điều này khuyến khích con quý vị bằng cách chú ý đến hành vi tích cực của em, thay vì chờ đợi cho đến khi em trở nên quá thô bạo và phải tập trung vào hành vi tiêu cực. Hãy bảo đảm là quý vị nói cụ thể về những hành vi mà quý vị thực sự thích và muốn khuyến khích.
    • Xem xét việc thực hiện một hệ thống gồm hành vi mang tính tích cực trong nhà của quý vị. Sơ đồ phần thưởng cho trẻ nhỏ có thể tạo động lực để con quý vị gia tăng việc thực hiện các hành vi tích cực. Chiến lược này có thể giúp quý vị tập trung vào những thời điểm con quý vị cư xử tốt.
    • Hãy là một hình mẫu cho con quý vị. Trẻ em thu nhặt các manh mối về việc cư xử ra sao từ việc quan sát người khác. Điều quan trọng là phải hành động và nói chuyện theo cách mà quý vị muốn nhìn thấy được trong hành vi của con mình – nếu quý vị muốn ngăn cản con mình la hét vào mặt quý vị, điều quan trọng là phải cố gắng giữ một giọng nói nhẹ nhàng và bình tĩnh khi quý vị đang trở nên bực bội.

    Hậu quả của hành vi tiêu cực (Consequences for negative behaviour)

    Nếu con quý vị vi phạm các quy tắc, hãy thông báo cho em biết rằng em đang làm điều sai trái và nếu thích hợp, hãy cho em cơ hội thứ hai để sửa chữa hành vi đó.

    Nếu hành vi tiêu cực vẫn tiếp tục, sẽ có một hậu quả hợp lý, phù hợp với lứa tuổi mà quý vị sẵn sàng và có thể thực hiện (ví dụ: “Nếu con không ngừng giật đồ của bạn mình, con không được chơi ô tô nữa” ). Hình phạt tức thời thì công bằng và hiệu quả hơn hình phạt được thực hiện sau đó.   

    Biện pháp time-out (ngồi yên một chỗ trong một thời gian quy định) là cách phổ biến để đưa ra hình phạt tức thời, nhưng nó cần được sử dụng một cách thích hợp để có tác dụng. Giữ biện pháp time-out (ngồi yên một chỗ trong một thời gian quy định) như một hình phạt cho các hành vi ngỗ ngược ở mức nghiêm trọng hơn (ví dụ: cố ý làm tổn thương người khác, hành vi nguy hiểm hoặc cố tình phá hỏng đồ vật) hơn là các hành vi có thể bỏ qua (ví dụ như nhõng nhẽo, chửi thề).       

    Không nên sử dụng biện pháp time-out làm trẻ chịu đựng (ví dụ như bắt trẻ ngồi yên trong một thời gian dài), nhưng biện pháp này có thể được sử dụng để tách trẻ ra khỏi tình huống đó trong vài phút và cho trẻ cơ hội bình tĩnh và thay đổi hành vi của mình.

    Nói chung, chúng tôi khuyên rằng quý vị nên sử dụng biện pháp time-out trong tối đa 1 phút cho mỗi năm tuổi của trẻ và quý vị nên chấm dứt hình phạt này khi hết thời gian time-out, ngay cả khi em chưa bình tĩnh hoặc im lặng trở lại. Để con quý vị trong tình trạng time-out hoặc cách ly trong thời gian dài hơn có thể khiến em trở nên căng thẳng lo âu. Nếu con quý vị trở nên quá lo âu về biện pháp time-out, hoặc nếu con quý vị đã từng trải qua những căng thẳng trong quá khứ và quý vị cho rằng biện pháp time-out có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, thì đây có thể không phải là chiến lược phù hợp cho con quý vị. Hãy nhớ rằng quý vị là người hiểu rõ con mình nhất, vì vậy quý vị có thể muốn gặp bác sĩ gia đình để được giúp đỡ trong tình huống này.

    Biện pháp Time-in hữu ích hơn cho những trẻ nhỏ hơn có thể không hiểu ý nghĩa của time-out: đây là khi quý vị ngồi gần và an ủi trẻ (ngồi yên lặng với trẻ, ôm hoặc giữ trẻ) trong khi trẻ đang cố gắng bình tĩnh lại.   

    Hãy nhất quán với phương pháp đến hình phạt mà quý vị sử dụng, và con quý vị sẽ có thể hiểu rõ hơn rằng cha mẹ mong đợi điều gì ở em.   

    Kỷ luật có tính tiêu cực có thể gây hại (Negative discipline can be harmful)

    Trừng phạt về thể xác/Đánh đập (Physical discipline)

    Trừng phạt về thể xác/Đánh đập là bất cứ điều gì được thực hiện đối với một đứa trẻ để gây ra sự đau đớn hoặc khó chịu về thể xác do hành vi của em. Trừng phạt thể xác như đập, đánh, đánh đòn, tát, véo hoặc đẩy không nên được sử dụng như một chiến lược để kiểm soát hành vi ngỗ ngược của trẻ.

    Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trừng phạt thể xác có thể có tác động tiêu cực lâu dài đối với trẻ, bao gồm:

    • gia tăng hành vi gây hấn và chống đối xã hội   
    • dạy trẻ rằng việc bạo hành là được tán thành
    • lòng tự trọng thấp
    • vấn đề sức khỏe tâm thần
    • quan hệ xấu giữa đứa trẻ và cha mẹ.

    Nếu có sự bạo hành hoặc gây hấn trong gia đình, quý vị cảm thấy không an toàn hoặc quý vị hoặc con quý vị có nguy cơ bị tổn hại tức thời, hãy liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp theo số 000.

    La mắng hoặc làm nhục (Shouting or shaming)

    La mắng hoặc quát mắng có thể là một phản ứng dễ hiểu khi cha mẹ thất vọng; tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc la mắng trẻ lặp đi lặp lại có thể gây ra tác hại tương tự như sự trừng phạt về thể xác.

    Bị la mắng – đặc biệt là bởi một người lớn hơn – là điều rất căng thẳng đối với một đứa trẻ. La mắng không cải thiện hành vi của trẻ mà có thể dẫn đến nhiều vấn đề về hành vi hơn (ví dụ: tăng tính gây hấn) và các vấn đề về sức khỏe tâm thần (ví dụ: lo âu, trầm cảm) trong tương lai.  

    Làm trẻ xấu hổ, coi thường và sỉ nhục vì hành vi của trẻ cũng rất có hại cho sức khỏe tâm thần lâu dài của trẻ và đây không phải là biện pháp có tác dụng cải thiện hành vi của trẻ.

    Hình phạt cô lập (Isolation as punishment)

    Bị cô lập trong thời gian dài mà không được giải thích hoặc hỗ trợ về mặt cảm xúc có thể gây hại cho trẻ nhỏ. Bị cô lập (đặc biệt là vào thời điểm chúng khó chịu) có thể bị coi là bị từ chối, điều này có thể khiến con quý vị buồn rầu và bối rối. Đôi khi, việc tách con quý vị ra khỏi một tình huống phiền nhiễu và ngồi yên tĩnh trong một bối cảnh khác có thể có tác dụng, nhưng sẽ không hữu ích nếu tách em lâu hơn khoảng thời gian được khuyến nghị là một phút cho mỗi năm tuổi.

    Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)

    Đôi khi, hành vi ngỗ ngược nghiêm trọng và dai dẳng có thể là dấu hiệu phát triển của một bệnh trạng hoặc một vấn đề sức khỏe tâm thần trầm trọng hơn. Nếu hành vi của con quý vị đang ảnh hưởng đến cách chúng đương đầu với cuộc sống, quý vị nên đưa con mình đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ và đánh giá thêm về sức khỏe của em.

    Những hành vi ngỗ ngược có thể có tác động tiêu cực, liên tục đối với cuộc sống gia đình. Nếu quý vị gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoặc đối phó với hành vi của con mình, quý vị có thể nói chuyện với bác sĩ gia đình, người có thể giới thiệu quý vị đến một bác sĩ chuyên khoa về hành vi trẻ em. 

    Kiểm soát cảm xúc của chính quý vị khi con quý vị có những hành vi ngỗ ngược có thể là điều rất khó khăn. Điều quan trọng là quý vị phải tự chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ nếu cần. Thông tin về hỗ trợ việc nuôi dạy con cái có thể được tìm thấy tại đây: https://raisingchildren.net.au/grown-ups/services-support

    Những điểm chính cần nhớ  (Key points to remember) 

    • Việc trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ nổi cơn thịnh nộ và không nghe lời là điều bình thường trong lúc trẻ đang phát triển và học các kỹ năng về mặt xã hội và cảm xúc của mình.
    • Phớt lờ, chuyển sự chú ý khuyến khích sự đồng cảm có thể giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực.
    • Củng cố tích cực và tập trung vào hành vi tốt của con quý vị là biện phát tốt nhất để hướng dẫn hành vi của con mình.
    • Đặt ra các quy tắc và nhất quán với các hậu quả phù hợp với lứa tuổi là rất quan trọng.
    • Trừng phạt con quý vị bằng biện pháp trừng phạt về thể xác (ví dụ: đánh đòn), la mắng hoặc cô lập có thể là gây hại cho trẻ và không nên sử dụng để kiểm soát hành vi ngỗ ngược của trẻ.

    Các câu hỏi phổ biến thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

    Trải qua quá nhiều thời gian cho TV/máy tính sẽ ảnh hưởng gì đến con gái tôi?

    Nghiên cứu đang phát hiện ra rằng quá nhiều thời gian cho TV/máy tính đối với trẻ nhỏ có thể gây hại cho bộ não đang phát triển của em. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tập trung, phát triển ngôn ngữ và cách chúng tương tác với người khác, và nó có liên quan đến chứng khó ngủ. Tất cả những điều này có thể góp phần vào hành vi ngỗ ngược. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng: trẻ em dưới 18 tháng nên tránh thời gian sử dụng thiết bị điện tử, ngoại trừ trò chuyện qua video; trẻ em từ 18 tháng đến hai tuổi có thể xem hoặc sử dụng các chương trình hoặc ứng dụng chất lượng cao nếu người lớn xem hoặc chơi chung với em để giúp trẻ hiểu những gì em đang xem; trẻ em từ hai đến năm tuổi không nên trải qua hơn một giờ sử dụng thiết bị điện tử vào mỗi ngày, khi cùng người lớn xem hoặc chơi với em.

    Làm sao để thực hiện 'time-out' theo cách có ích? 

    Thông thường, khi trẻ nhỏ cư xử không đúng mực, điều chúng cần là sự giúp đỡ từ cha mẹ hoặc người chăm sóc để bình tĩnh lại. Time-out nên được sử dụng như một biện pháp để cho con quý vị một chút 'thời gian nghỉ ngơi' và không nên được sử dụng như một hình phạt khiến trẻ phải chịu đựng. Time-out có tác dụng tốt nhất khi được sử dụng trong thời gian ngắn (tối đa một phút cho mỗi năm tuổi) và ngay tức thì sau khi trẻ có hành vi ngỗ nghịch. Tách đứa trẻ ra khỏi đó hoặc cách ly trẻ trong một thời gian dài có thể khiến trẻ căng thẳng lo âu hơn và có thể không có ích.

    Làm cách nào để biết liệu hành vi của con gái tôi có phải là do bị chứng quá hiếu động và kém tập trung (ADHD) hay không?

    Tất cả trẻ nhỏ đều có khả năng tập trung bị hạn chế và đôi khi làm mọi việc mà không cần suy nghĩ, nhưng chỉ một số ít trẻ bị chứng Quá Hiếu động và Kém Tập trung (ADHD). Các triệu chứng của ADHD thường bao gồm khó tập trung, hành động thiếu suy nghĩ và mức hoạt động cao. Tất cả những hành vi này rất phổ biến ở hầu hết trẻ mới biết đi và nhiều trẻ mẫu giáo. Nếu con quý vị có nhiều hơn một trong các triệu chứng của ADHD và các triệu chứng này đã diễn ra trong hơn sáu tháng, quý vị có thể xem xét đến gặp bác sĩ gia đình để thảo luận về những lo ngại của mình. Xin xem tờ thông tin Chứng Quá Hiếu động và Kém Chú ý. Attention deficit hyperactivity disorder.

    Được Thông tin Cộng đồng của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia, Khoa Y học Vị thành niên và Cuộc thăm dò Sức khỏe Trẻ em của RCH soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.   

    Xuất bản lần đầu vào tháng 10 năm 2018.   

    Thông tin này đang chờ xét duyệt theo định kỳ. Hãy luôn luôn tìm kiếm lời khuyên mới nhất từ bác sĩ đã đăng ký và đang hành nghề.

    Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) tài trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

    Bãi miễn trách nhiệm

    Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.