Consent (Vietnamese) – Đồng_ý

  • Đồng ý: cho phép con quý vị được điều trị (Consent: giving permission for your child to have treatment)

    Tại Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia (Royal Children's Hospital -RCH), chúng tôi muốn quý vị có tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt cho con mình. Thông tin sau đây giải thích tất cả về sự đồng ý và cách chúng tôi tìm kiếm sự đồng ý cho việc điều trị của bệnh nhân tại RCH.

    Sự đồng ý trong chăm sóc sức khỏe là gì? (What is consent in healthcare?)

    Sự đồng ý là quyết định đồng ý với một điều trị, thủ thuật, lời khuyên hoặc can thiệp y tế khác.

    Tôi nên xem xét những gì trước khi đồng ý? (What should I consider before giving consent?)

    Khi quý vị đồng ý cho con mình điều trị, điều đó phải dựa trên một tiến trình để quý vị có cơ hội đặt câu hỏi và thảo luận về bất kỳ mối lo ngại nào mà quý vị có thể có.

    Choosing Wisely Australia đã cung cấp bản danh sách gồm năm câu hỏi mà quý vị có thể muốn hỏi cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình trước khi đưa ra sự đồng ý.

    5 câu hỏi để hỏi bác sĩ hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trước khi quý vị thực hiện bất kỳ xét nghiệm, điều trị hoặc thủ thuật nào (Five questions to ask your doctor or other health care provider before you get any test, treatment or procedure)

    1 Tôi có thực sự cần làm xét nghiệm hoặc thủ thuật này không? (1. Do I really need this test or procedure?)

    Các xét nghiệm có thể giúp quý vị và bác sĩ hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe xác định tình trạng bệnh tật của quý vị. Các thủ thuật có thể giúp điều trị bệnh.

    2 Có những rủi ro gì? (2. What are the risks?)

    Sẽ có tác dụng phụ không? Cơ hội nhận được kết quả không chính xác là gì? Điều đó có thể dẫn đến cần làm thêm xét nghiệm hoặc thủ thuật khác không?

    3 Có các lựa chọn đơn giản hơn, an toàn hơn không? (3. Are there simpler, safer options?)

    Đôi khi tất cả những gì quý vị cần làm là thay đổi lối sống, chẳng hạn như ăn thực phẩm lành mạnh hơn hoặc tập thể dục nhiều hơn.

    4 Điều gì xảy ra nếu tôi không làm gì cả? (4. What happens if I don’t do anything?)

    Hỏi xem liệu tình trạng bệnh tật của quý vị có thể trở nên xấu đi – hoặc tốt hơn – hay không nếu quý vị không làm xét nghiệm hoặc thủ thuật ngay lập tức.

    5 Các phí tổn gồm những gì? (5. What are the costs?)

    Phí tổn có thể là tài chính, hao tổn tinh thần hoặc tốn thời gian. Trong trường hợp có phí tổn đối với cộng đồng, phí tổn đó có hợp lý không hoặc có cách thay thế nào rẻ hơn không?

    Ai sẽ yêu cầu tôi đưa ra sự đồng ý? (Who will ask me to give consent?)

    Trong hầu hết các trường hợp, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang cung cấp sự điều trị sẽ là người yêu cầu sự đồng ý của quý vị. Họ có trình độ phù hợp, có đủ kiến thức về điều trị và hiểu biết về những rủi ro, lợi ích và bất kỳ lựa chọn thay thế nào khác. Thường thì bác sĩ sẽ hỏi để nhận được sự đồng ý của quý vị, nhưng một số nhân viên khác của chúng tôi cũng có thể yêu cầu quý vị đưa ra sự đồng ý.

    Tôi có thể đưa ra sự đồng ý của mình như thế nào? (How can I give my consent?)

    Sự đồng ý có thể được đưa ra theo những cách sau và sẽ phụ thuộc vào việc điều trị hoặc xét nghiệm:

    • • Không dùng lời nói – ví dụ, giơ cánh tay của con quý vị ra để y tá có thể đo huyết áp cho cháu.
    • • Bằng lời nói – bằng cách nói rằng quý vị cho phép con quý vị được điều trị.
    • • Bằng văn bản – bằng cách ký vào đơn đồng ý cho phép con quý vị được điều trị.

    Nếu tiếng Anh không phải là ngôn ngữ của tôi thì sao? (What if English isn’t my preferred language?)

    Chúng tôi có thể sắp xếp một thông dịch viên để đảm bảo rằng quý vị hiểu tiến trình đồng ý. Đơn đồng ý của RCH cũng đã được dịch sang các ngôn ngữ sau: Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ả Rập, Tiếng Trung (Phồn thể), Dinka, Somali và Tiếng Việt.

    Quý vị cũng có thể chọn để có người hỗ trợ tham dự cùng với quý vị trong buổi thảo luận về sự đồng ý.

    Khi nào tôi sẽ được yêu cầu để đưa ra sự đồng ý? (When will I be asked to give consent?)

    Cần có sự đồng ý bằng văn bản khi việc điều trị được đề xuất mang tính phức tạp, có rủi ro đáng kể hoặc có thể liên quan đến nhu cầu truyền máu. Luôn cần phải có sự đồng ý bằng văn bản đối với các thủ thuật yêu cầu đưa con quý vị vào giấc ngủ (gây mê).

    Trong trường hợp sự đồng ý liên quan đến một thủ thuật đặc biệt, thì sự đồng ý bằng văn bản có thể thực hiện tại phòng khám trước khi nhập viện hoặc tại cuộc hẹn đánh giá bệnh nhân ngoại trú trước khi thực hiện thủ thuật theo lịch trình. Vào ngày nhập viện, chúng tôi sẽ xác nhận rằng quý vị hài lòng để tiếp tục thực hiện thủ thuật.

    Điều gì xảy ra trong trường hợp khẩn cấp? (What happens in an emergency?)

    Trong trường hợp khẩn cấp, nếu cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tin tưởng một cách hợp lý và trung thực rằng việc điều trị là cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe tâm thần hoặc thể chất của bệnh nhân, thì họ có thể tiến hành hợp pháp một thủ thuật thích hợp mà không cần có sự đồng ý.

    Ai có thể đưa ra sự đồng ý? (Who can give consent?)

    Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp (người có trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và thẩm quyền hợp pháp để đưa ra quyết định cho một đứa trẻ) sẽ được yêu cầu đưa ra sự đồng ý. Điều quan trọng là phải hiểu rằng trẻ cũng có thể đưa ra sự đồng ý trong một số trường hợp nhất định nhưng khả năng làm như vậy phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ để đưa ra quyết định có điều trị hay không. Cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đưa ra hướng dẫn về phạm vi mà con quý vị có thể đưa ra sự đồng ý.

    Những người nuôi dưỡng tạm thời thường không có trách nhiệm pháp lý như là cha mẹ và do đó, cơ quan Bảo vệ Trẻ em (Child Protection) phải được liên hệ để xác nhận ai có thể đưa ra sự đồng ý cho trẻ theo Án Lệnh Bảo vệ Trẻ em.

    Nếu tôi không đồng ý với điều trị được đề xuất thì sao? (What if I do not agree with the proposed treatment?)

    Trong trường hợp bệnh nhân/gia đình không đồng ý với điều trị được đề xuất, và việc không đồng ý có nghĩa là có khả năng gây ra mối nguy hại đáng kể cho trẻ, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể tìm kiếm tư vấn pháp lý vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân.

    Điều gì xảy ra nếu tôi đổi ý? (What happens if I change my mind?)

    Quý vị có thể thay đổi quyết định của mình bất cứ lúc nào sau khi đã đồng ý. Nếu đổi ý, quý vị có thể được yêu cầu ghi bằng văn bản việc rút lại sự đồng ý của mình.

    Tôi có những quyền hạn gì? (What are my rights?)

    Quý vị có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ về những rủi ro và lợi ích của bất kỳ việc điều trị y tế nào. Quý vị có quyền nhận tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định, cũng như có quyền nêu thắc mắc và nhận được trả lời thỏa đáng.

    Cam kết của chúng tôi với quý vị (Our commitment to you)

    Tại RCH, chúng tôi muốn quý vị cảm thấy thoải mái về bất kỳ quyết định nào mà quý vị đưa ra thay cho con mình. Nếu quý vị có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng hỏi cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về việc đồng ý của quý vị. Nếu không hiểu, quý vị luôn có thể yêu cầu chúng tôi giải thích lại hoặc cho thêm thời gian nếu quý vị cần.

    Có thể tìm thêm nhiều thông tin về sự đồng ý cho việc điều trị y khoa tại các liên kết sau:


    Last updated May 2023